Giang Trạch Dân và cuốn sách “Bẻ gãy trục chính của tà ác”

Bản in Bản in

Giang Trạch Dân là một thách thức đặc biệt với luật pháp quốc tế, bởi vì tội ác của y được giấu nhẹm sau tấm màn ‘chính phủ Trung Quốc’ cùng bộ máy phong toả thông tin đồ sộ.

Bài của Levi Browde

NEW YORK — Mấy tuần rồi quả là khó khăn cho những tên độc tài hết thời, và chắc chắn Giang Trạch Dân, một cựu lãnh đạo Trung Quốc, cũng đang bị đặc biệt để mắt đến.

Ngày 4-12-2003, các phương tiện truyền thông Châu Âu báo cáo rằng Toà án Nurmberg District tại Đức đã phát lệnh bắt Jorge Videla, cựu tổng thống Argentine, về tội tra tấn và giết hại hàng nghìn người trong thời ông ta nắm quyền hồi cuối những năm 70 đầu những năm 80. Tuần trước, ông Wesley Clark, một cựu chỉ huy trong quân đội NATO, đã chứng nhận rằng Slobodan Milosevic, một cựu lãnh đạo Yugoslavian, đã biết trước về cuộc thảm sát Srebrenica, cuộc thảm sát dẫn đến hơn 7000 người chết. Đây là một bằng chứng mạnh mẽ góp thêm vào vụ kiện Slobodan Milosevic về tội diệt chủng. Vào cuối tuần rồi, cựu độc tài Iraq là Saddam Hussein bị tóm gọn trong một cái lỗ hang, râu tóc rũ rượi sau nhiều tháng mệt mỏi vì bị truy bắt.

Cùng thời gian ấy, một cuốn sách mới xuất bản gần đây của ông Mark Palmer, cựu đại sứ Hoa Kỳ và là viên chức Văn phòng Chính phủ Hoa Kỳ trong 26 năm, viết về đề tài làm thế nào để đến năm 2025 sẽ quét sạch những tên độc tài còn sót lại trên thế giới, đã được đông đảo ký giả tại Bắc Mỹ bình luận sôi nổi trên báo chí.

Tờ Wall Street Journal ngày 16-12-2003 có đoạn viết về cuốn sách của ông Palmer: “Một trong những cuốn hay nhất nhưng chưa được chú ý đúng mức, nhắm thẳng vào vấn đề hóc búa sau sự kiện 11-9”.

Cuốn sách “Bẻ gãy trục chính của tà ác” (Breaking the Real Axis of Evil) là một trong những cẩm nang về chính sách đối ngoại, với mục đích loại trừ những tên độc tài còn sót lại trên thế giới, những kẻ mà ông Palmer gọi là “45 kẻ ít bị truy nã nhất thế giới” hoặc “45 kẻ vô dụng nhất thế giới”.

Thế giới hôm nay, đối với những tên độc tài, đã là một nơi hoàn toàn khác hẳn so với gần 60 năm trước, khi Liên Hiệp Quốc mới bắt đầu thông qua những hiệp ước nhắm vào tội ác này, loại tội ác vẫn đang ngấm ngầm tồn tại. “Hiệp định về tội diệt chủng” thông qua năm 1948, “hiệp định về tội tra tấn” thông qua năm 1984 là một vài dẫn chứng cụ thể.

Từ đó đến nay, các hiệp ước cùng đạo luật liên đới đã phát huy tác dụng tích cực, và đã thành công trong một số trường hợp đưa kẻ phạm tội nhân quyền một cách có hệ thống kia ra công lý. Trên thực tế các điều luật quốc tế càng ngày càng mở rộng phạm vi quyền lực, và gần đây, đã vươn đến tận miền đất mà kẻ độc tài từng nắm quyền cai trị tuyệt đối. Agusto Pinochet ở Chile, và Charles Taylor ở Liberia là những ví dụ điển hình.

Một thách thức đặc biệt với luật pháp quốc tế

Tuy nhiên, khi làn sóng chống độc tài đang lên cao như vậy, thì các điều luật và hiệp định do cộng đồng quốc tế đưa ra để bảo vệ nhân quyền có lẽ vẫn đang phải đối mặt trước một thách thực rất đặc thù, đó là Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Trung Quốc.

Từ tháng 7-1999, Giang Trạch Dân đã phát động chiến dịch nhằm huỷ diệt Pháp Luân Công, một chiến dịch được mô tả là “sặc mùi Cách mạng Văn hoá”, theo ông Willy Lam, nhà phân tích cao cấp về Trung Quốc của CNN. Những ai từng biết đến lịch sử cận đại Trung Quốc, có thể thấy nó gợi lại một quá khứ kinh hoàng: bắt người vô cớ, đánh đập dã man, cùng hàng nghìn người bị chết oan khuất trong khổ nạn.

Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, đã có báo cáo chi tiết về 842 người chết được kiểm chứng. Con số tử vong thực tế có thể đến hàng nghìn người. Hàng trăm nghìn người đang bị giam cầm, với trên 100 nghìn người đang bị giam giữ trong các trại lao động cải tạo, một hình thức bắt người trái phép mà nói chung không cần thông qua xét xử toà án theo luật pháp.

Trong những tên “côn đồ” liệt kê ở danh sách của Amnesty International (Đại xá quốc tế), tội ác của Giang Trạch Dân đã đưa ông ta xếp cùng Hussein, Milosevic, Pinochet và những kẻ độc tài khác. Đã có hàng chồng chứng cớ về tội ác của Giang Trạch Dân, nhưng tại sao ông ta vẫn là một thách thức cho luật pháp quốc tế, vốn đã rất rõ ràng dứt khoát trong vấn đề này? Câu trả lời có ba điểm.

Quyết dịnh cá nhân khác với chính sách quốc gia

Thứ nhất, Giang Trạch Dân đã giấu mặt rất kỹ bằng cách xoá nhoà ranh giới giữa chủ kiến cá nhân và chính sách quốc gia. Đến tận hôm nay, nhiều người vẫn lầm tưởng “vấn đề Pháp Luân Công” là vấn đề tranh chấp giữa Pháp Luân Công và chính quyền Trung Quốc. Điều đó không hề ngẫu nhiên chút nào, vì đó là kết quả của một quá trình dàn dựng công phu của Giang Trạch Dân với mục đích lợi dụng công cụ chính quyền làm phương tiện cá nhân.

Giang Trạch Dân không chỉ tự mình dựng nên chính sách “trừ bỏ” Pháp Luân Công, mà trên thực tế khi ban hành quyết định mở chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công, ông ta đã đi ngược lại quyết định của ông thủ tướng và toàn bộ Uỷ ban Thường trực Bộ chính trị, những người vốn vẫn ủng hộ Pháp Luân Công. Như vậy, vừa nắm quyền cao nhất cả trong nhà nước và quân đội, Giang Trạch Dân đã viện đến công cụ quốc gia để tiến hành đàn áp, đồng thời gây ra một hình ảnh giả tạo rằng chính nhà nước đã khai mở cuộc đàn áp này.

Ông Palmer đã trả lời báo chí trong cuộc phỏng vấn về cuốn sách mới của ông: “Cá nhân Giang Trạch Dân đã ra quyết định đó … ông ta đã đi ngược lại rất nhiều người trong Bộ chính trị vốn không hề ủng hộ đàn áp Pháp Luân Công; một số họ cũng học Pháp Luân Công hoặc có thân nhân tập Pháp Luân Công. Vì vậy chúng ta cần làm rõ rằng chính ông ta phải chịu trách nhiệm.”

Phải chăng là một dạng thức diệt chủng kiểu mới?

Thứ hai, những tội ác quy mô lớn hình thành nên cuộc đàn áp Pháp Luân Công rất đa dạng, rất khó xếp vào một thể loại đơn nhất nào đó và cũng khó kiểm chứng được hết về thực trạng trong nước của nguồn thông tin. Đúng là đã có hồ sơ về hơn ba trăm nghìn trường hợp bắt bớ vô cớ, tra tấn, giết hại hoặc hình thức vi phạm nhân quyền khác đối với các học viên Pháp Luân Công; nhưng bản chất một cách hệ thống hoá rằng những gì đang xảy đến với các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc là mang tính ‘diệt chủng’ chứ không giống như áp chế tôn giáo; điều này vẫn còn là một bức tranh chưa rõ ràng trong con mắt cộng đồng quốc tế.

Trong những năm thống trị của triều đại cộng sản ở Trung Quốc, các phương pháp thô bạo và đàn áp đã được phát triển và tinh luyện. Những phương pháp ấy đã được dùng để nhắm riêng vào một thành phần nhất định trong xã hội để tiêu trừ thành phần ấy bằng cách “chuyển hoá” tư tưởng từng cá nhân sao cho phù hợp với lý tưởng cộng sản; nó viện đến bất kể thủ đoạn nào. Trong quá trình “chuyển hoá” ấy, hàng nghìn người phải bỏ mạng trong khi chịu những phương pháp thô bạo đó; nhưng xét cho cùng, thì mục đích tối hậu của cuộc đàn áp không phải là “giết” những người bị đặt trong tầm ngắm — theo cách hiểu truyền thống về tội diệt chủng — mà là “tước bỏ đức tin” của họ. Chính sự tước bỏ đức tin này đang phá hoại những gì thực sự làm nên nhân loại.

Hãy thử nhìn lại thời Chiến tranh thế giới lần thứ II, ví như thay vì giết bỏ 6 triệu người Do Thái như đã xảy ra, chế độ phát xít của Hitler tìm cách tước bỏ đức tin của người Do Thái bằng cách tống họ vào các trung tâm tẩy não, mà ở đó họ sẽ phải chịu cực hình tra tấn và trở thành nạn nhân của những kỹ nghệ tẩy não với mục tiêu bắt họ từ bỏ đạo Do Thái, công khai phỉ báng Moses, tự đốt bỏ kinh Torah và đồng ý theo các quan chức phát xít để “chuyển hoá” những người Do Thái khác; nếu họ không chịu và vẫn kiên định vào đức tin của mình, họ sẽ có thể phải đối mặt với cái chết.

Như vậy, hỏi đó cũng là tội “diệt chủng”, hay là một dạng thức tội ác khác mà chúng ta chưa biết tên? Dù có gọi là gì đi nữa, thì chính tội ác ấy đã được triển khai nhắm vào Pháp Luân Công kể từ năm 1999. Đó là một tội ác tày trời vi phạm nhân quyền.

Oang tạc bằng thông tin

Lý do thứ ba khiến Giang Trạch Dân trở thành một thách thức với luật pháp quốc tế có lẽ là trong suốt chiến dịch dàn áp Pháp Luân Công, Giang Trạch Dân đã triển khai rầm rộ kỹ xảo “bút và kiếm liên hợp” theo quan điểm “nghe mãi cũng phải tin”. Trong cuộc họp APEC năm 1999 tại New Zealand, Giang Trạch Dân đã gặp Bill Clinton. Theo tờ Associated Press, Giang Trạch Dân đã tận tay trao cho Bill Clinton cuốn sách gièm pha Pháp Luân Công do bộ máy tuyên truyền Trung Quốc biên soạn, và ngỏ lời mời ông tổng thống Hoa Kỳ về cùng phe với mình. Đồng thời hàng loạt những tài liệu tương tự được gửi đến các chính phủ và cơ quan truyền thông trên thế giới, với mục đích thêu dệt hình ảnh giả về Pháp Luân Công như một mối “đe doạ nguy hiểm” của xã hội. Tổ chức nhân quyền quốc tế như Amnesty International và Human Rights Watch đã khẳng định những thông tin đó là “vô căn cứ”, là “hư giả”, là nằm trong một “chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn”.

Dẫu là thông tin giả, nhưng nếu tuyên truyền nhiều, thì cũng có người tin. Hiện nay các thông tin chống phá Pháp Luân Công của Giang Trạch Dân đã lan tràn khắp thế giới. Đối với những người ngoài cuộc, thông tin thật giả lẫn lộn. Những vu khống giả dối của Giang Trạch Dân thậm chí đã đi cả vào một số báo cáo và nghiên cứu ở một số nước phương Tây.

Thực ra, hầu hết những ai hiểu biết kỹ về Trung Quốc đều thấy hiển nhiên rằng chế độ cộng sản đang vu khống Pháp Luân Công, nhưng vì chiến dịch thông tin của Giang Trạch Dân quá đồ sộ, nên những điều vu khống ấy vẫn có tác dụng đánh lạc hướng nhiều người.

Đừng lặp lại sai lầm

Giang Trạch Dân nổi lên như một trường hợp thử thách với luật pháp quốc tế bởi vì ông ta giấu kín bản thân mình trong vỏ bọc chính phủ Trung Quốc, quy mô tội ác của y cũng khó xét thấu đáo và vạch trần được hết, và bởi vì chiến dịch thông tin toàn cầu để đánh lạc hướng đã làm nhiều người hiểu sai và không thấy được rằng đây chính là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Giang Trạch Dân, có thể nói, là một tay phù thuỷ, và thế giới vẫn còn nhiều người đang bị thôi miên. Nhưng đây không phải là một màn biểu diễn ảo thuật cho vui mắt. Đây là cực hình tra tấn. Đây là tội ác diệt chủng chống lại niềm tin vào hoà bình truyền thống. Đây là những gì mà chúng ta đều mong muốn sẽ không bao giờ xảy đến cho nhân loại một lần nào nữa. ■

# # #

Ghi chú: Pháp Luân Công, cũng gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu tập toạ thiền và một số động tác dựa trên nguyên lý “Chân Thiện Nhẫn” của vũ trụ. Hiện nay đã có mặt trên 50 quốc gia. Pháp Luân Công có nguồn cội sâu xa gắn với lịch sử truyền thống của đân tộc Trung Hoa. Năm 1999 chính quyền Trung Quốc đã ước tính số học viên Pháp Luân Công khoảng 100 triệu người. Tháng 9-1999 Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Trung Quốc, đã quyết định đưa Pháp Luân Công ra khỏi vòng pháp luật. Từ đó đến nay, bè đảng của Giang Trạch Dân một mặt vừa triển khai các chiến dịch tuyên truyền gây thù hận đối với Pháp Luân Công, một mặt vừa bắt bớ, giam cầm, tra tấn, và thậm chí giết hại các học viên Pháp Luân Công. Trung tâm thông tin Pháp Luân Công đã thống kê được trên 842 trường hợp tử vong kể từ khi bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công. Vào tháng 10-2001, một số quan chức chính phủ Trung Quốc đã tiết lộ rằng con số bị đánh đập đến chết là hơn 1600 người. Các chuyên gia cho rằng con số thực sự vào thời điểm hiện nay đã cao hơn như thế rất nhiều. Hàng trăm nghìn người bị bắt giữ, hơn 100 nghìn người đã bị đày vào các trại cưỡng bức lao động, thông thường không hề qua xử án theo luật pháp.

19-12-2003

# # #

Bản tiếng Anh: http://www.faluninfo.net/displayAnArticle.asp?ID=8185.

Dịch và đăng ngày 25-12-2003; bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai để sát hơn với nguyên tác.

Chủ đề: Chuyên đề,Ý kiến bình luận
Đăng ngày: 25-12-2003, bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.