Trung tâm thông tin Pháp Luân Đại Pháp

Hạ viện Mỹ kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công

LÊN TIẾNG GIÚP ĐỠ: Trong bức ảnh này, Hạ nghị sĩ Ileana Ros-Lehtinen (Đảng Cộng hòa - Florida) phát biểu tại buổi mít-tinh ngày 20 tháng 7 năm 2007 để tưởng nhớ 8 năm cuộc đàn áp của chế độ cộng sản Trung Quốc đối với Pháp Luân Công. Hạ viện Mỹ đã đạt được kết quả bỏ phiếu 412-1 khi kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp tại Trung Quốc. (Jan Jekielek/The Epoch Times)

WASHINGTON—Trong một cuộc bỏ phiếu với đa số áp đảo 412-1, Hạ viện Mỹ đã kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc hôm thứ 3 vừa rồi.

Nghị quyết 605 của Hạ viện kêu gọi chính quyền Trung Quốc “ngay lập tức ngừng và từ bỏ chiến dịch đàn áp, đe dọa, bỏ tù, và tra tấn các học viên Pháp Luân Công, ngay lập tức hủy bỏ Phòng 6-10, một bộ máy an ninh ngoài vòng pháp luật được giao nhiệm vụ ‘nhổ tận gốc’ Pháp Luân Công.”

Hạ nghị sĩ Mỹ Ileana Ros-Lehtinen (Đảng Cộng hòa – Florida.), một thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện là người soạn thảo nghị quyết trên.

“Môn tập tinh thần Pháp Luân Công được dựa trên [các tiêu chuẩn] Chân, Thiện và Nhẫn. Thế nhưng những con người vô tội này lại bị chính quyền Trung Quốc nhắm vào một cách tàn bạo. Các thủ đoạn cực kỳ tàn ác của chính quyền đó gồm có mổ cắp [nội] tạng của các học viên Pháp Luân Công, và quấy nhiễu bằng bạo lực ngay cả đối với những học viên đang sống ở Hoa Kỳ,” bà nói trong một tuyên bố.

Các học viên Pháp Luân Công diễu hành ở Washington, D.C., hôm 17/7/2009 để kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp tại Trung Quốc. Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu gần như nhất trí tuyệt đối khi kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc hôm thứ 3 vừa rồi. (The Epoch Times)

Hai ông David Kilgour và David Matas, những luật sư bảo vệ nhân quyền được đề cử giải Nobel Hòa bình, đã ghi lại nạn cưỡng bức lấy tạng của các tù nhân lương tâm Pháp Luân Công trong cuốn sách của họ: “Cuộc thu hoạch đẫm máu: Giết chết [các học viên] Pháp Luân Công để lấy [nội] tạng.”

Pháp Luân Công, còn được biết đến với tên gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tập luyện tinh thần được giới thiệu ra công chúng năm 1992 ở Trung Quốc lục địa. Vào ngày 20/7/1999, Giang Trạch Dân, lúc đó là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát động cuộc đàn áp đối với môn tập này.

Nghị quyết 605 của Hạ viện, “bày tỏ sự cảm thông với các học viên Pháp Luân Công và những thành viên trong gia đình của họ, những người đã bị đàn áp, đe dọa, bỏ tù, tra tấn, và thậm chí [bị giết] chết trong thập kỷ qua chỉ vì trung thành với đức tin của cá nhân mình.”

Tất cả ngoại trừ một trong số 413 Nghị sĩ bỏ phiếu về Nghị quyết này đã công nhận đó là một cuộc đàn áp và kêu gọi chấm dứt nó, với 17 phiếu trắng. Người bất đồng quan điểm duy nhất là Hạ nghị sĩ Ron Paul (Đảng Cộng hòa – Texas), phản đối Nghị quyết này vì cho rằng đó là can thiệp vào công việc của nước khác.

“Việc thông qua và nội dung cụ thể của nghị quyết này là đặc biệt quan trọng vì nó cho thấy rằng cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc là [một vấn đề cần xử lý] cấp bách hiện nay cũng như trước kia,” ông Levi Browde, Giám đốc chấp hành của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp cho biết. “Như nghị quyết đã công nhận, thực tế là hàng triệu người vô tội ở Trung Quốc theo tập Pháp Luân Công vẫn thường xuyên chịu rủi ro bị giam giữ tùy tiện, bị tra tấn và bị [giết] chết.”

Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp là văn phòng báo chí chính thức của Pháp Luân Công, và cũng chuyên ghi lưu lại những vi phạm nhân quyền mà các học viên Pháp Luân Công phải đối mặt ở Trung Quốc.

Sau khi Nghị quyết được thông qua, nữ Hạ nghị sĩ Lynn Woolsey (Đảng Dân chủ-California) nói: “Vào năm 2002, tôi là tác giả của một nghị quyết bày tỏ nhận thức của Quốc hội về cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với Pháp Luân Công ở Mỹ và ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thật đáng buồn là, 8 năm sau đó, cuộc đàn áp vẫn tiếp diễn.”

DIỄN LẠI CẢNH TRA TẤN: Trong bức ảnh này, người ta đang diễn lại một cảnh đàn áp và tra tấn mà các học viên môn tập luyện tinh thần Pháp Luân Công phải chịu đựng dưới bàn tay của chế độ cộng sản Trung Quốc. Cuộc biểu tình đặc biệt này được trông thấy ngay trước Cổng Brandenburg tại Berlin, tháng 5 năm 2007. (Jan Jekielek/The Epoch Times)

Vào tháng 10 năm 2003, Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết Nhất trí 304, cùng với việc kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp ở Trung Quốc, còn nêu lên những quan ngại về nhiều vụ việc quấy nhiễu về mặt thân thể và theo các hình thức khác đối với các học viên Pháp Luân Công và những người bênh vực họ ở Mỹ. Hai nghị quyết khác cũng đã được thông qua trong những năm đầu của cuộc đàn áp bày tỏ sự lên án của Quốc hội đối với cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc.

“Nội dung của Nghị quyết [605] cũng nêu bật lên rằng việc đạt được sự tự do thực sự và bảo vệ nhân quyền cho tất cả nhân dân Trung Quốc được căn cứ vào việc chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Bởi vì làm thế nào mà một xã hội dân sự, lành mạnh có thể phát triển được khi hàng chục triệu người đang bị nhắm vào theo một cách như vậy?” ông Browde nói.

Trong 11 năm qua, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị tra tấn, bị giết chết, bị đưa đến các trại lao động, bị đưa đến các trung tâm cưỡng bức tẩy não, và đã phải chịu các hình thức đàn áp khác, theo nhiều báo cáo của chính phủ và các tổ chức phi chính phủ (NGO), bao gồm cả những báo cáo đã được dẫn ra trong nghị quyết.

Theo bản báo cáo nhân quyền mới nhất của Bộ ngoại giao Mỹ về Trung Quốc, những người đứng đầu chủ chốt của Pháp Luân Công đã bị “‘chọn ra để đối xử đặc biệt tàn nhẫn,’ và việc chỉ đơn thuần tin vào môn tập – mà chưa công khai thực hành bất cứ giáo lý nào của môn – cũng đã đủ để các học viên bị trừng phạt hoặc bị bỏ tù,” nữ Hạ nghị sĩ Diane Watson (Đảng Dân chủ – California) nói.

“Điều quan trọng là không được đánh giá thấp ảnh hưởng thực tế trên thế giới mà nghị quyết này sẽ có. Thứ nhất là, bằng cách nói rõ lập trường chính thức của Quốc hội Mỹ, một nước đi đầu trong thế giới tự do, nó đã đặt ra một tấm gương cho các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới noi theo. Thứ hai là, nội dung của nghị quyết khi được dịch sang tiếng Trung và lưu hành trong dân chúng ở khắp Trung Quốc, sẽ đem lại những hy vọng có ý nghĩa cho hàng triệu người đang phải chịu đàn áp, đồng thời khuyến khích các nỗ lực phi bạo lực hơn nữa để chấm dứt những vi phạm này. Hơn nữa, việc bản nghị quyết vạch trần những lời bịa đặt của Đảng Cộng sản [Trung Quốc] và khẳng định sự đoàn kết với các nạn nhân sẽ làm cho những kẻ muốn đàn áp phải ngập ngừng,” ông Browde nói.


Toàn văn của Nghị quyết này:

HRES 605 IH

QUỐC HỘI khóa 111 Phiên thứ 1

H. RES. 605

Nhìn nhận về cuộc đàn áp vẫn đang tiếp diễn đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc nhân kỷ niệm 11 năm chiến dịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp phong trào tinh thần Pháp Luân Công, và kêu gọi chấm dứt ngay lập tức chiến dịch đàn áp, đe dọa, bỏ tù, và tra tấn các học viên Pháp Luân Công này.

TRONG HẠ VIỆN

Bà ROS-LEHTINEN (chính bà, Ông POE từ Texas, Ông BILIRAKIS, Ông BURTON từ Indiana, Ông ROHRABACHER, Ông MARIO DIAZ-BALART từ Florida, Ông MINNICK, và Bà WATERS) đã đệ trình bản nghị quyết sau đây; mà đã được chuyển đến Ủy ban Đối ngoại để xem xét.

NGHỊ QUYẾT

Nhìn nhận về cuộc đàn áp vẫn đang tiếp diễn đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc nhân kỷ niệm 11 năm chiến dịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp phong trào tinh thần Pháp Luân Công, và kêu gọi chấm dứt ngay lập tức chiến dịch đàn áp, đe dọa, bỏ tù, và tra tấn các học viên Pháp Luân Công này.

Xét rằng Pháp Luân Công là một môn tập luyện tinh thần Trung Quốc truyền thống do Ông Lý Hồng Chí sáng lập năm 1992, bao gồm những lời dạy về tinh thần, tôn giáo, và đạo đức cho cuộc sống hàng ngày, ngồi thiền, và tập luyện, dựa trên các nguyên tắc đạo đức là Chân, Thiện, và Nhẫn;

Xét rằng theo Bản báo cáo thường niên 2008 của Ủy ban liên Quốc hội – Hành pháp về Trung Quốc, “hàng chục triệu công dân Trung Quốc đã tập Pháp Luân Công trong những năm 1990 và những người trung thành với phong trào tinh thần này ở bên trong Trung Quốc ước tính vẫn vào khoảng hàng trăm nghìn người bất chấp những hành động đàn áp nghiêm trọng vẫn đang tiếp diễn của chính quyền,” và những con số ước tính khác được đăng trên báo chí phương Tây đặt con số những môn đồ trung thành của Pháp Luân Công hiện nay ở Trung Quốc ở mức hàng chục triệu người;

Xét rằng vào năm 1996, các cuốn sách của Pháp Luân Công đã bị cấm ở Trung Quốc và các phương tiện truyền thông của nhà nước bắt đầu một chiến dịch chỉ trích Pháp Luân Công;

Xét rằng vào năm 1999, cảnh sát Trung Quốc bắt đầu làm gián đoạn các bài tập buổi sáng của Pháp Luân Công ở các công viên công cộng và bắt đầu lục soát nhà của những người tập Pháp Luân Công;

Xét rằng vào ngày 25 tháng 4 năm 1999, hơn 10.000 học viên Pháp Luân Công đã tập trung ở bên ngoài Văn phòng Thỉnh nguyện của Hội đồng Nhà nước ở Bắc Kinh, ở bên cạnh khu dinh thự được rào kín của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản [Trung Quốc], để đề nghị rằng các học viên Pháp Luân Công đã bị bắt được thả ra, lệnh cấm xuất bản các cuốn sách của Pháp Luân Công được gỡ bỏ, và rằng các học viên Pháp Luân Công được phép lại tiếp tục các hoạt động của mình mà không bị chính quyền can thiệp;

Xét rằng vào cùng ngày hôm đó, ngay sau khi Thủ tướng lúc đó là Chu Dung Cơ gặp gỡ với những người đại diện của Pháp Luân Công trong văn phòng của mình và đồng ý với việc thả tự do cho các học viên đã bị bắt, Tổng bí thư Đảng Cộng sản [Trung Quốc] Giang Trạch Dân đã chỉ trích những hành động của ông Chu và ra lệnh thẳng tay đàn áp Pháp Luân Công;

Xét rằng vào tháng 6 năm 1999, Giang Trạch Dân ra lệnh thành lập Phòng 6-10, một bộ máy an ninh nằm ngoài vòng pháp luật, được giao nhiệm vụ “nhổ tận gốc” Pháp Luân Công;

Xét rằng vào tháng 7 năm 1999, cảnh sát Trung Quốc bắt đầu bắt giữ các học viên Pháp Luân Công chủ đạo;

Xét rằng vào ngày 22 tháng 7 năm 1999, các phương tiện truyền thông của nhà nước Trung Quốc bắt đầu một chiến dịch tuyên truyền lớn cấm Pháp Luân Công vì “làm mất trật tự xã hội” và cảnh báo các công dân Trung Quốc rằng việc tập Pháp Luân Công đã bị cấm;

Xét rằng vào tháng 10 năm 1999, Tổng bí thư Đảng Giang Trạch Dân, theo các bài trên báo chí phương tây, “đã ra lệnh rằng Pháp Luân Công bị quy là một ‘giáo phái’, và sau đó đã yêu cầu rằng một đạo luật cấm các giáo phái phải được thông qua”;

Xét rằng nhà cầm quyền Trung Quốc đã dành một lượng lớn thời gian và nguồn lực trong một thập kỷ qua trên toàn thế giới để rải rắc những tuyên truyền giả dối tự cho rằng Pháp Luân Công là một “tà giáo” chiến đấu và tự tử thay vì là một phong trào tinh thần dựa trên các khái niệm Trung Quốc truyền thống về ngồi thiền và tập luyện;

Xét rằng vào ngày 10 tháng 10 năm 2004, Hạ viện đã thông qua bằng cách bỏ phiếu bằng lời Nghị quyết Nhất trí của Hạ viện số 304, mà có 75 người đồng bảo trợ thuộc cả hai đảng, với tiêu đề “Bày tỏ nhìn nhận của Quốc hội về cuộc đàn áp của Chính quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với Pháp Luân Công ở Hoa Kỳ và ở Trung Quốc,” và rằng nguyên văn của nghị quyết này lưu ý rằng “Chính quyền Trung Quốc cũng đã cố gắng bịt miệng phong trào Pháp Luân Công và các nhóm ủng hộ dân chủ Trung Quốc ở bên trong Hoa Kỳ”;

Xét rằng, vào ngày 18 tháng 10 năm 2005, vị luật sư nhân quyền rất được tôn trọng Cao Trí Thịnh đã viết một lá thư cho Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công và nhà cầm quyền Trung Quốc, đã phản ứng lại bằng cách đóng cửa văn phòng luật và tước đi giấy phép hành nghề luật của ông, và các lực lượng an ninh Trung Quốc bị nghi là đã trực tiếp liên quan đến việc mất tích của ông Cao hôm 4 tháng 2 năm 2009;

Xét rằng gia đình ông Cao Trí Thịnh sau đó đã được cấp tị nạn chính trị ở Hoa Kỳ; Xét rằng Ủy ban chống tra tấn của Liên Hợp Quốc trong báo cáo định kỳ lần thứ 4 của mình về Trung Quốc, được công bố hôm 12 tháng 12 năm 2008, đã tuyên bố rằng “Phía Nhà nước phải ngay lập tức thực hiện hoặc ủy nhiệm thực hiện một cuộc điều tra độc lập về những lời khai rằng một số học viên Pháp Luân Công đã phải chịu tra tấn và bị dùng cho việc cấy ghép tạng và thực hiện các biện pháp thích hợp để đảm bảo rằng những người phải chịu trách nhiệm đối với những vi phạm đó bị truy tố và trừng phạt.”;

Xét rằng báo cáo thường niên 2008 của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) tuyên bố rằng “Các học viên Pháp Luân Công có rủi ro đặc biệt cao bị tra tấn và bị các ngược đãi khác trong khi bị giam giữ … trong năm 2007 hơn 100 học viên Pháp Luân Công được báo cáo là đã bị chết trong khi bị giam hay ngay sau khi được thả do bị tra tấn, bị từ chối thức ăn hay điều trị y tế, và các hình thức ngược đãi khác.”;

Xét rằng theo Bản báo cáo Nhân quyền của Bộ ngoại giao năm 2008 về Trung Quốc, “Một số nhà quan sát nước ngoài đã ước tính rằng những môn đồ Pháp Luân Công chiếm ít nhất là một nửa trong số 250.000 tù nhân được ghi tên chính thức trong các trại cải tạo lao động, trong khi các nguồn tin Pháp Luân Công tại hải ngoại đặt con số thậm chí còn cao hơn thế.”;

Xét rằng theo Bản báo cao thường niên 2008 của Ủy ban liên Quốc hội – Hành pháp về Trung Quốc, “Chính quyền trung ương (Trung Quốc) đã tăng cường chiến dịch đàn áp 9 năm của họ đối với các học viên Pháp Luân Công trong những tháng trước khi diễn ra Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh 2008.”;

Xét rằng các trang web liên quan đến Pháp Luân Công vẫn nằm trong số các trang bị bức tường lửa Internet của Trung Quốc phong tỏa một cách có hệ thống và cô lập nhất; và

Xét rằng, theo một báo cáo tháng 4 năm 2009 của tờ Thời báo New York (New York Times), “Trong năm qua, có tới 8.000 học viên (Pháp Luân Công) đã bị bắt giam, theo các chuyên gia về nhân quyền, và ít nhất 100 người đã bị chết trong khi bị giam giữ”:

Bây giờ, vì vậy

Quyết nghị, rằng Hạ viện—

(1) bày tỏ sự thông cảm đối với các học viên Pháp Luân Công và các thành viên của gia đình họ, những người đã phải chịu đàn áp, đe dọa, bỏ tù, tra tấn, và thậm chí bị chết trong thập kỷ qua chỉ bởi vì trung thành với đức tin của cá nhân mình;

(2) kêu gọi Chính quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngay lập tức ngừng và từ bỏ chiến dịch đàn áp, đe dọa, bỏ tù, và tra tấn các học viên Pháp Luân Công của mình, ngay lập tức hủy bỏ Phòng 6-10, một bộ máy an ninh nằm ngoài vòng pháp luật được giao nhiệm vụ “nhổ tận gốc” Pháp Luân Công, và ngay lập tức thả các học viên Pháp Luân Công mà đã bị giam cầm chỉ bởi vì đức tin của mình ra khỏi các nhà tù và các trại cải tạo lao động, bao gồm cả những học viên là thân nhân của các công dân và cư dân thường trú của Hoa Kỳ; và

(3) kêu gọi Tổng thống và các Nghị sĩ đánh dấu kỷ niệm năm thứ 11 của cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với phong trào tinh thần Pháp Luân Công một cách thích hợp và có hiệu lực bằng cách công khai bày tỏ sự đoàn kết với các học viên ở Trung Quốc bị đàn áp chỉ bởi vì đức tin của cá nhân mình, và bằng cách gặp gỡ với các học viên Pháp Luân Công vào bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi đâu có thể để thể hiện rằng việc ủng hộ đối với quyền tự do lương tâm vẫn là một nguyên tắc nền tảng của Chính phủ Hoa Kỳ.

Jan Jekielek & Gary Feuerberg
(Theo The Epoch Times)

Bản tiếng Anh: http://www.theepochtimes.com/n2/content/view/31505/